Notification

×

Iklan

Sao

Iklan

Sao

Indeks Berita

Tag Terpopuler

Hoa lan Việt Nam và tiềm năng xuất khẩu phần 2

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021 | tháng 11 30, 2021 Cập nhật mới nhất 2022-01-12T08:16:30Z

1.Thực trạng thị trường.


Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới, do có khí hậu nhiệt đới ẩm phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của các loại lan, hoa lan rừng bản địa đã đến với con người Việt Nam từ lâu đời, nhưng cây lan rừng ở Việt Nam chỉ dừng lại ở dạng trồng để thưởng thức và chia sẻ giống trong nội địa mang tính tự phát. Việc nuôi trồng kinh doanh hoa lan ở nước ta so với như các nước ở châu Âu và châu Á phát triển là một khoảng cách rất dài.

Mấy năm gần đây phong trào chơi lan rừng bản địa như Phi Điệp, Kiếm có phần sôi nổi, nhiều giống lan đẹp được người chơi săn tìm, sưu tầm tạo nên một thị trường mua bán có thời điểm như một hiện tượng mô hình phát triển kinh tế. Ngoài ra thị trường còn có các loài lan công nghiệp cắt cành được dùng vào các dịp lễ hội, sự kiện… hàng năm vào dịp tết Nguyên đán, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành đều mở hội hoa xuân trong đó có trưng bày nhiều loại hoa lan. Việc tổ chức chấm thi, trao giải cho các nghệ nhân nuôi trồng hoa lan có tác phẩm hoa lan đẹp diễn ra thường kỳ, có tác dụng kích thích phong trào nuôi trồng hoa lan ngày càng phát triển cũng như việc quảng bá vẻ đẹp của hoa lan và nét đặc sắc trong văn hóa thưởng ngoạn hoa lan của nguời Việt đến bạn bè quốc tế.

Về xuất khẩu: Từ năm 1980 Việt Nam bắt đầu đã có hoạt động xuất khẩu hoa lan đến các thị trường, Nhật, Mỹ…Các công ty tiên phong trong xuất khẩu hoa lan đầu tiên ở Việt Nam như công ty Vetgetexco và công ty Atex – Saigon, thời gian gần đây có Công ty Hoa Mặt trời, Công ty hoa Dalat Hasfarm (Đà Lạt, Lâm Đồng)… nhưng hoạt động xuất khẩu hoa lan từ đó đến nay cũng mới chỉ tập trung chủ yếu vào hoa lan cắt cành ở Đà Lạt và Tp Hồ Chí Minh như địa lan, lan Vũ nữ…. tuy nhiên theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu đến nay còn rất khiêm tốn, số lượng xuất khẩu khoảng 300 triệu cành/1 năm..

Về nhập khẩu: Do nhu cầu của người dân trong việc trang trí nhà ở, văn phòng các dịp Tết, Lễ, sự kiện nên các công ty kinh doanh hoa tươi đã nhập lượng lớn hoa lan công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ đồng để bán ra thị trường đây là tình trạng nhập siêu, chảy ngoại tệ ra nước ngoài.

2. Lợi thế của ngành nuôi trồng kinh doanh hoa lan


Nền kinh tế Việt Nam những năm qua đã có những thành tựu phát triển vượt bậc, mức sống của người dân nhất là dân cư các thành phố lớn trong cả nước từng bước được nâng cao. Do đó nhu cầu tiêu dùng hoa cắt cành trong đó có hoa lan ngày càng tăng, bên cạnh đó phong trào chơi hoa lan phát triển khắp các tỉnh thành phố, nhiều câu lạc bộ, hội hoa lan được thành lập, nhiều nhà vườn bảo tồn nuôi trồng hoa lan, nhất là các giống hoa đột biến, hiếm, đẹp mới mọc lên.

Việt Nam có chính sách mở cửa, ưu đãi và là môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn dự án và nguồn vốn FDI, làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam trong đó có Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia khác; các tỉnh, thành đang phát triển du lịch sinh thái; các hội nghị quốc gia cũng như các diễn đàn quốc tế tổ chức tại Việt Nam với tần suất ngày càng tăng khiến cho nhu cầu về các loại hoa nói chung, hoa lan lan nói riêng tăng thêm và hầu như Việt Nam hàng năm phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để nhập khẩu hoa lan từ các quốc gia láng giềng để đáp ứng cho thị trường nội địa.

Hiệu quả kinh tế nói chung của cây lan cao hơn các loại cây trồng nông nghiệp khác; nhất là tại những vùng đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả như đất bạc màu, chua phèn hay nhiễm mặn vì cây lan không cần đến đất. Đặc biệt Việt Nam có nhiều địa phương trồng cây dừa và vỏ dừa khô chính là giá thể tốt nhất để cây lan phát triển. Chậu trồng lan Bình Dương bằng đất nung rất nổi tiếng, mặt khác các có nhiều sở đồ mộc đã tận dụng những vụn gỗ để làm thành các tác phẩm chậu gỗ đẹp; giá thể trồng lan còn sử dụng vỏ thông, vỏ lạc hun khói trong nước giá thành thấp nhưng cũng rất hiệu quả. Các vật liệu khác như lưới che mát, vỉ nhựa, chậu nhựa khay ươm kie cũng sản xuất được ở trong nước góp phần làm giảm chi phí đầu tư cho người trồng lan và tạo ra việc làm cho nhiều lao động phụ trợ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

3. Hạn chế, vướng mắc của ngành hoa lan nước ta.


Việt Nam có một số giống lan đột biến gene có mặt hoa đặc sắc (lan var), đẹp hiếm như lan Phi Điệp, lan Kiếm cũng đã được giới chơi lan quốc tế đánh giá cao, rất muốn sưu tầm. Thực tế cho thấy nhiều nhà vườn cả nước hiện nay đã nhân giống được nhiều hoa lan Phi điệp, kiếm, có những giống hoa đột biến mặt bông đẹp, số lượng có thể đáp ứng và giá thành phù hợp để đưa ra thị trường quốc tế tuy nhiên lan rừng Việt Nam là loài thực vật thuộc danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã (có loài thuộc danh mục hoang dã nguy cấp, quý hiếm). Khi cơ sở sản xuất có số lượng cây, nếu có bạn hàng sẵn sang ký hợp đồng thì những vấn đề về pháp lý như bản quyền giống; việc xin tổ chức CITES cấp giấy phép… chưa có đơn vị nuôi trồng lan rừng nào có đủ điều kiện đáp ứng được.

Mặt khác đối với những giống lan var này chỉ có thể áp dụng phương pháp ươm kie để nhân giống thủ công mới cho ra cây con mang đủ đặc điểm như cây mẹ. Vì vậy đây là một thực tế đáng lo ngại cho ngành sản xuất hoa lan của Việt Nam nếu tương lai Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu hoa lan trên thế giới. Chúng ta xác định sản xuất hàng hóa hoa lan phục vụ nhu cầu của đại chúng thì ngoài việc sản phẩm cây thân lá đẹp, mặt hoa độc đáo cần phải có giá thành “quốc dân”

4. Một số giải pháp cần thiết về cơ chế để xuất khẩu hoa lan.


Vấn đề kinh doanh xuất khẩu hoa lan đối với Việt Nam cho đến nay vẫn đang ở giai đoạn đầu. Để nghề trồng lan phát triển rất cần Chính phủ quan tâm:

– Tạo điều kiện hơn nữa cho các Doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực vào lĩnh vực công nghệ sinh học và di truyền cho ngành công nghiệp hoa lan nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm làm động lực cho sự phát triển của ngành. Taọ điều kiện ngành nuôi trồng, kinh doanh hoa lan bản địa mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ giúp hạ giá thành để cung cấp cho thị trường nội địa, giảm nhập siêu.

– Khuyến khích xây dựng phong trào chơi hoa lan lành mạnh, bảo tồn lan rừng tạo nên những khu du lịch sinh thái hoa lan, trang trại hoa lan kết hợp phát triển du lịch nhằm quảng bá vẻ đẹp hoa lan cũng là để từng bước xuất khẩu thú chơi hoa lan Việt Nam, một hình thái văn hóa phi vật thể của người Việt đến du khách quốc tế.

– Cơ quan CITES Việt Nam nghiên cứu phối hợp Cục trồng trọt. ban hành bộ cẩm nang CITES hoa lan và bản quyền giống, lưu hành giống cây trồng và mở các lớp tập huấn cho các nhà vườn đăng ký học nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho các chủ nhà vườn tạo điều kiện cho hoạt động nuôi trồng, hoạt động xuất khẩu đúng quy định cũng chính là góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác rừng bừa bãi dẫn đến rừng tuyệt chủng các giống lan quý, đặc hữu cũng như tình trạng thất thoát nguồn gene quý bởi hoạt động xuất khẩu “chui”.

5. Tương lai xuất khẩu hoa lan tỏa sáng.


Tuy ngành sản xuất hoa lan Việt Nam còn khoảng cách rất xa so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… nhưng tương lai của hoa lan Việt Nam rất xán lạn bởi nguồn gene lan rừng nước ta rất quí báu dồi dào, mang vẻ đẹp xuất sắc nhưng chưa được khai thác, đánh thức, tỏa sáng. Hoa lan với người Việt là thú chơi từ xa xưa nên một số loài lan rừng tuyệt đẹp như Phi Điệp, Kiếm, Địa lan bản địa…. cũng đã được nhân giống nuôi trồng phổ biến trong nhân dân, đây là một lợi thế, nguồn lực lớn về nguồn giống, con người Việt Nam thông minh chịu khó và nắm bắt công nghệ tiên tiến nhanh nhạy…

Thời gian tới có sự quan tâm hơn nữa của các Bộ, Ngành và chính quyền các cấp, có những cơ chế thông thoáng về sản xuất, thương mại, xuất khẩu hoa lan; sự nỗ lực tâm huyết của cộng đồng người yêu hoa lan, của các Doanh nghiệp, nhà vườn… Nghề trồng lan, kinh doanh hoa lan chắc chắn sẽ tỏa sáng, hoa lan trở thành một một mặt hàng mang về nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập tốt cho người dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

×